Thu tiền tỷ từ sản phẩm gia vị

Những sản phẩm gia vị thực phẩm như muối ớt, nước xốt… đã mang về tiền tỷ cho nhiều doanh nghiệp (DN) khi không chỉ bán tại Việt Nam mà còn xuất ngoại.

gia vị

Thị trường tiềm năng

Không chỉ bó hẹp quanh các loại hành, tiêu, ớt, tỏi, nước mắm, nước tương, bột ngọt, bột nêm…, sản phẩm gia vị Việt Nam ngày càng nối dài danh sách với hàng trăm loại. Thị trường gia vị thế giới lên đến 19 tỷ USD/năm, với tốc độ tăng trưởng 15-20%. Tại Việt Nam, tuy chưa có con số thống kê nhưng ngành chế biến gia vị đang mang lại tiền tỷ cho DN khi sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu.

Ông Huỳnh Văn Bé – Chủ cơ sở muối sấy Ngọc Yến tại Đồng Tháp bộc lộ: 16 năm trước cơ sở của ông chỉ bán từ 5-10 kg muối sấy mỗi ngày nhưng nay sản lượng đã tăng lên 6 tấn/ngày. Năm 2021, những gói muối sấy – gia vị chấm trái cây, gia vị trong bữa ăn, gia vị ướp cá thịt…- đã mang về cho cơ sở Ngọc Yến 80 tỷ đồng doanh thu. Không chỉ bán trong nước, muối sấy Ngọc Yến bắt đầu chinh phục người tiêu dùng Hàn Quốc và Mỹ.

Không chỉ hồ tiêu, từ nhiều năm nay, Việt Nam còn xuất khẩu rất nhiều gia vị thô như quế, hồi, đinh hương…Năm 2009, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên thế giới, Phúc Sinh đã xây nhà máy sản xuất tiêu tiệt trùng để xuất sang châu Âu. Mỗi năm Phúc Sinh xuất khẩu 6.000 container tiêu và các loại gia vị tiêu (tiêu tiệt trùng, xốt tiêu…) sang nhiều nước, trong đó có Mỹ và châu Âu. “Hiện 50% sản phẩm nước xốt tiêu được sử dụng trên thế giới là của Phúc Sinh và 70% thị phần tiêu tại Israel cũng do công ty cung ứng”, ông Phan Minh Thông tự tin nói.

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), ngành nông nghiệp và công nghiệp sản xuất gia vị, hương liệu của Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành nguồn cung quan trọng mặt hàng này cho thị trường thế giới. Trong số các loại gia vị của Việt Nam, hạt tiêu đã rất nổi tiếng và chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của công nghệ, các sản phẩm gia vị hoàn chỉnh cho nhiều món ăn đã ngày càng phổ biến trong thói quen tiêu dùng, như gia vị nấu phở, nấu bún bò, bún riêu, bún mắm, các loại xốt như xốt tiêu, xốt ướp các món ăn, tương ớt…

Sản phẩm có phẩm chất tự nhiên được ưa chuộng

Theo các DN, cái khó của các DN sản xuất gia vị Việt là chất lượng sản phẩm. Đa số các nhà kinh doanh gia vị Việt là cơ sở sản xuất, có mô hình hộ gia đình, sản xuất nhỏ lẻ chưa đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của các nhà nhập khẩu, đặc biệt là thị trường châu Âu và Mỹ. Bên cạnh đó, vì chỉ là cơ sở nhỏ nên không thể nhận những đơn hàng hàng tấn sản phẩm, không bảo đảm được tiêu chí về phẩm chất và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bà Ong Thị Kim Ngân – Phó tổng giám đốc Công ty Khai thác thủy hải sản chế biến nước mắm Thanh Hà – Phú Quốc cũng thừa nhận việc đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, chất lượng là vấn đề của DN làm gia vị. Bắt đầu xuất khẩu từ năm 1993, Thanh Hà – Phú Quốc cũng gặp không ít khó khăn khi đưa nước mắm sang Hàn Quốc, Nhật bản, Mỹ, Úc. Còn với thị trường châu Âu, các nhà nhập khẩu thường qua nhà máy nhiều lần để kiểm tra quy trình sản xuất của Thanh Hà – Phú Quốc và nếu đạt tiêu chí về chất lượng, vi sinh…của họ thì lô hàng mới đủ điều kiện xuất.

Ông Nguyễn Trung Dũng tiết lộ, khách hàng thế giới muốn sử dụng nhiều hơn gia vị đặc sản vùng miền nhưng đòi hỏi phải thuận tiện khi sử dụng và phải bảo đảm an toàn thực phẩm, không sử dụng hóa chất và màu tổng hợp, kể cả chất bảo quản. Đây là một trong những nguyên nhân giúp Dh Foods thành công khi nghiên cứu sản xuất gia vị đặc sản từ nguyên liệu tự nhiên và không sử dụng hóa chất, màu tổng hợp, chất bảo quản. Xu hướng này chính là tương lai của gia vị Việt Nam.

Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn Online