FMCG là lĩnh vực kinh doanh gần gũi và quen thuộc trong đời sống thế nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về nó. Thậm chí nhiều người còn cho rằng FMCG cũng là F&B. Để hiểu rõ hơn về lĩnh vực này các bạn hãy cùng Hoa Sen Foods tìm hiểu xem FMCG là gì và những điểm khác nhau giữa FMCG và F&B qua bài viết sau đây nhé!
FMCG là gì?
FMCG là viết tắt của Fast Moving Consumer Goods, có nghĩa là ngành hàng tiêu dùng nhanh. Thuật ngữ này được dùng để chỉ các mặt hàng được sản xuất dành cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của con người. Đó là những mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống con người như: thực phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ dùng cá nhân hàng ngày, đồ gia dụng, sản phẩm tẩy rửa,…
Đặc điểm của các sản phẩm FMCG là chúng thường được sản xuất với số lượng lớn, sức tiêu dùng lớn, giá bán các mặt hàng tương đối thấp, lợi nhuận từng sản phẩm thấp, hạn sử dụng ngắn và được sản xuất với quy mô lớn. Nhà sản xuất không bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng mà phân phối sản phẩm qua các đại lý, cửa hàng bán lẻ hay các siêu thị.
Sự cạnh tranh trong ngành FMCG vô cùng gay gắt bởi vì các mặt hàng FMCG rất đa dạng về ngành hàng, mỗi ngành hàng lại có rất nhiều sản phẩm khác nhau với nhiều nhãn hàng khác nhau. Các doanh nghiệp FMCG đa phần là những doanh nghiệp nổi tiếng trên khắp thế giới và được nhiều người biết đến như P&G, Unilever, Nestle, Coca-Cola, Johnson & Johnson… Hàng hóa của những doanh nghiệp này có mặt trên khắp hệ thống bán lẻ toàn thế giới, trong các siêu thị cũng như chuỗi bán lẻ.
Với đặc tính là một ngành sản xuất các loại hàng tiêu dùng nhanh, các doanh nghiệp FMCG mang đến rất nhiều cơ hội việc làm. Ngoài ra các doanh nghiệp FMCG cũng đẩy mạnh việc tạo dựng niềm tin với khách hàng, thúc đẩy mối quan hệ lâu dài và gia tăng sự trung thành của khách hàng với sản phẩm của họ.
F&B là gì?
F&B là viết tắt của Food & Beverage, được hiểu đơn giản là ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong ngành F&B đối tượng tham gia là các doanh nghiệp, cá nhân giữ vai trò sản xuất, chế biến và chuyển thức ăn, đồ uống đến trực tiếp cho người tiêu dùng. Các đối tượng kinh doanh trong lĩnh vực này được phân thành 3 loại. Một là B2B bao gồm các nhà hàng, khách sạn, quán ăn,…, hoạt động dựa trên việc cung cấp thức ăn, đồ uống cho người tiêu dùng. Hai là B2C, bao gồm các cá nhân, doanh nghiệp cung cấp các loại thực phẩm, nguyên liệu dùng cho việc chế biến các loại đồ ăn thức uống. Ba là các cá nhân, đơn vị cung cấp dịch vụ giao hàng.
So với các ngành kinh doanh khác thì ngành F&B có những điểm đặc trưng nhất định
– Thứ nhất, các sản phẩm của ngành F&B có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Điều này có nghĩa là nếu chất lượng sản phẩm F&B không tốt sẽ ảnh hưởng đến thể chất và nhiều khía cạnh khác của người tiêu dùng. Vì vậy, việc đảm bảo chất lượng luôn là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp F&B.
>> Xem thêm: Tin tức về ngành hàng F&B
– Thứ hai, sản phẩm của ngành F&B chịu tác động rất lớn của văn hóa địa phương. Trong thực tế văn hóa địa phương có tác động rất lớn đến nhận thức của người tiêu dùng về các loại đồ ăn thức uống tại địa phương đó.
– Thứ ba, sản phẩm F&B có tính thời vụ và thời điểm cao. Mặc dù nhu cầu ăn uống luôn tồn tại, tuy nhiên vẫn có một số doanh nghiệp F&B chịu ảnh hưởng lớn về tính thời vụ và thời điểm. Ví dụ, nhu cầu thịt heo thường tăng cao vào dịp tết, hoặc là các cửa hàng ăn uống thường đông khách vào ngày cuối tuần.
Một doanh nghiệp F&B thành công cần hiểu rõ những đặc trưng của ngành để có định hướng kinh doanh phù hợp và hiệu quả nhất.
Những điểm khác nhau giữa FMCG và F&B
Có không ít người cho rằng FMCG và F&B là một. Nhưng thực tế không phải như vậy. FMCG và F&B là hai ngành khác nhau, mặc dù cả hai ngành có chung mục đích là đáp ứng các nhu cầu hàng ngày của con người.
Sau đây là 10 điểm khác nhau giữa FMCG và F&B mà bạn nên biết để phân biệt được hai ngành này:
1- Sản phẩm của FMCG là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chăm sóc sức khỏe,…, còn sản phẩm của F&B là đồ ăn, thức uống.
2- Đối tượng khách hàng của FMCG là các đại lý, cửa hàng, còn F&B là người tiêu dùng.
3- FMCG phân phối hàng hóa các kênh bán hàng như đại lý, siêu thị, cửa hàng bán lẻ, còn F&B bán trực tiếp cho người tiêu dùng.
4- FMCG là một ngành cung cấp các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho con người, còn F&B là một loại hình dịch vụ ăn uống.
5- Để bán được hàng, doanh nghiệp FMCG cần có một hệ thống bán hàng được tổ chức bài bản với đội ngũ nhân viên sale chuyên nghiệp. Trong khi đó thái độ, phong cách làm việc của đầu bếp, nhân viên phục vụ là yếu tố đảm bảo chất lượng và sự ổn định của sản phẩm F&B.
6- Sản phẩm FMCG được sản xuất với số lượng lớn, còn sản phẩm F&B được sản xuất theo đúng nhu cầu của khách hàng, khách hàng đặt bao nhiêu làm bấy nhiêu.
7- Các sản phẩm FMCG không chịu ảnh hưởng bởi tính mùa vụ hay thời điểm như các sản phẩm F&B.
8- Sản phẩm FMCG có phạm vi phân phối rộng, nhiều mặt hàng được phân phối trên toàn thế giới. Trong khi đó sản phẩm F&B sẽ chỉ được cung cấp trong phạm vi nhà hàng, quán ăn.
9- Sản phẩm FMCG được đóng gói chuyên nghiệp và có thời hạn sử dụng nhất định, còn sản phẩm F&B cần được sử dụng ngay.
10- Doanh nghiệp FMCG là những doanh nghiệp có quy mô lớn và nổi tiếng khắp thế giới, còn đối tượng kinh doanh lĩnh vực F&B có thể là những cá nhân, đơn vị nhỏ lẻ.
Những điều khác biệt giữa FMCG và F&B là cần thiết để nhận ra các cách tiếp cận khác nhau để quản lý và bán các sản phẩm này. Với FMCG, quảng cáo và chiến lược giá cả rất quan trọng để thu hút khách hàng và nâng cao doanh số bán hàng. Trong khi đó, với F&B, chất lượng sản phẩm và trải nghiệm khách hàng là chìa khóa để thành công.
Nguồn: Internet