Nhiều mặt hàng gia vị của Việt Nam đã khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế. 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 78.599 tấn gia vị, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu, đứng số 1 thế giới về xuất khẩu quế, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu hoa hồi.
Không chỉ thế, các mặt hàng gia vị khác cũng chiếm vị trí khá quan trọng như: Ớt, đinh hương, gừng, bạch đậu khấu…. Các thị trường nhập khẩu gia vị Việt Nam cũng ngày càng đa dạng như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông.
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam còn nhiều dư địa cho phát triển các sản phẩm gia vị. Năm ngoái, tổng giá trị xuất khẩu của hồ tiêu và gia vị Việt Nam đạt hơn 1,4 tỷ USD. Ngành hàng này đặt mục tiêu xuất khẩu lên con số 2 tỷ USD vào năm 2025.
Số liệu từ Tổng cục Lâm Nghiệp cũng cho thấy, giá trị xuất khẩu quế – hồi đã liên tục tăng, năm 2020 đạt hơn 245 triệu USD, năm 2021 đạt khoảng 274 triệu USD, chiếm hơn 8,3% kim ngạch xuất khẩu rau củ quả. Năm 2022, đã tăng lên 276 triệu USD.
Ông Nguyễn Như Tiệp Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Việt Nam có tiềm năng lớn sản xuất các loại gia vị như quế, hồi, các loại rau gia vị đặc trưng cho ẩm thực châu Á.
Bên cạnh các thị trường trọng điểm, thị trường có nhiều cộng đồng cư dân châu Á sinh sống cũng là hướng đi mới với khách hàng tiềm năng trong tiêu dùng các sản phẩm đặc sản nhiệt đới và sản phẩm gia vị.
Do xu hướng gia tăng nhu cầu nguyên liệu trong các ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm… hiện nay, quế, hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á (Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Mỹ và các nước thuộc EU.
Đánh giá về xu hướng thị trường gia vị thế giới để định hướng sản xuất tại Việt Nam, ông Nguyễn Như Tiệp cho rằng, các mặt hàng, sản phẩm từ quế, hồi và cây dược liệu đang ngày càng được quan tâm và mở rộng thị trường xuất khẩu do những thay đổi trong nhận thức, quan điểm và thị hiếu của người tiêu dùng đối với lối sống xanh, sạch, tốt cho sức khỏe và hỗ trợ tăng miễn dịch.
Xu hướng tiêu dùng đang hướng tới các sản phẩm an toàn và thân thiện với môi trường và hành vi tiêu dùng đã có sự điều chỉnh theo hướng phát triển bền vững, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thị trường và cuối cùng là ứng dụng nền tảng số, công nghệ vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị.
Thời gian tới, để tận dụng tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy xuất khẩu gia vị, ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách (Bộ Công Thương) cho rằng, thúc đẩy xuất khẩu cần gắn với đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0.
Tiếp theo đổi mới, đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại phục vụ xuất khẩu gia vị thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.
“Cần nâng cao hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm gia vị xuất khẩu; chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm gia vị xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam. Cuối cùng là tăng tỷ trọng các sản phẩm gia vị xuất khẩu có giá trị gia tăng, có hàm lượng khoa học – công nghệ, các sản phẩm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm thân thiện với môi trường”, ông Hội khẳng định.
Nguồn: Bộ ngoại giao Việt Nam